Giá cước và hàng hóa vận tải biển tiếp tục sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp buộc phải bán bớt tàu và cắt tuyến vận chuyển để duy trì hoạt động.
Đây là điều hoàn toàn trái ngược với dự báo thị trường vận tải biển sẽ khả quan hơn sau khi mức độ tiêu thụ hàng hóa, xuất nhập khẩu sôi động kéo theo nhu cầu chuyển hàng đường biển gia tăng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp logistics chuyển hàng quốc tế cho hay đang đối diện tình trạng khát nguồn hàng. Dù giá cước vận chuyển đường biển giảm sâu nhưng doanh nghiệp cũng chẳng vui vì không có hàng để làm.
Tổng giám đốc một công ty logistics tại TP.HCM cho biết kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, sức tiêu dùng giảm... đã ảnh hưởng lớn đến thị trường vận tải biển quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Khi tham dự một cuộc triển lãm về logistics tại Thái Lan mới đây, vị này cho biết đã rất bất ngờ khi các doanh nghiệp tại nhiều quốc gia, trong đó có cả Trung Quốc, đến tìm kiếm nguồn hàng. Lượng hàng hóa sụt giảm cả hai đầu nhập và xuất khiến doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng thừa người nhưng thiếu việc.
"Các mặt hàng như may mặc, nội thất, đồ gỗ... rất hiếm đơn hàng xuất khẩu. Sản lượng hàng hóa qua kho của tôi tụt giảm mạnh lắm" - vị này nói.
Một số công ty vận tải biển thừa nhận rằng ngày vui "ngắn chẳng tày gang" để mô tả về tình cảnh trái ngược của ngành ở thời điểm trước và sau dịch Covid-19. Bởi trong thời điểm dịch bệnh, vận tải biển ăn nên làm ra với giá cước tăng cao ngất, hàng hóa chở không hết, nhưng nay ngược lại.
"Sau khi lập đỉnh vào tháng 9-2021, giá cước vận tải biển có dấu hiệu điều chỉnh, đặc biệt giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm 2022 và tiếp tục giảm thêm trong những tháng đầu năm 2023", một doanh nghiệp vận tải biển nói.
Giá cước vận tải container và sản lượng hàng hóa sụt giảm, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt tuyến, bán bớt tàu do không thể gồng gánh thêm chi phí. Công ty Biendong Shipping thông tin tháng 4 đã dừng tuyến tàu chở hàng từ cảng Cửa Lò chạy thẳng tới Kolkatar (Ấn Độ) và Chitagong (Bangladesh) sau một năm khai thác vì sản lượng giảm cả hai chiều. Với giá cước vận tải container giảm tới 60% so với thời kỳ đỉnh điểm, hãng tàu này dừng tuyến để tìm phương án khác.
Theo các doanh nghiệp vận tải biển, mức cước vận tải container đang giảm mạnh, đặc biệt trên các tuyến quốc tế. Trên tuyến Hồ Chí Minh - Port Klang (Malaysia), giá cước vận chuyển có mức khoảng 6,5 - 8 triệu đồng/container 40 feet và khoảng 4,3 triệu đồng/container 20 feet. Trong khi tại thời điểm tháng 4-2022, giá vận tải trên tuyến này tương ứng khoảng 26 - 40 triệu đồng/container 40 feet và khoảng 13 - 19 triệu đồng/container 20 feet.
Không chỉ giá cước mà giá thuê tàu cũng giảm mạnh, với mức giảm khoảng 50% so với giá đỉnh đầu năm 2022, từ 20.000 - 22.000 USD/ngày xuống còn 12.000 USD/ngày. Các doanh nghiệp đánh giá thị trường vận tải biển chịu sự tác động lớn bởi nhu cầu người dùng, khi các nước châu Âu và Trung Quốc có lượng hàng tồn kho lớn thì cung vượt cầu dẫn đến thị trường ảm đạm và cạnh tranh cao hơn. Lượng hàng tồn kho cần thời gian để xử lý và phải ít nhất quý 4-2023 thị trường mới bắt đầu sôi động trở lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) cho rằng phải đến đầu năm 2024 thị trường vận tải biển mới khả quan. Dư âm lạm phát và khó khăn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu lẫn sức tiêu dùng ảm đạm của nhiều thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu... ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa.
Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển nội địa cũng "phủ một gam màu xám", không mấy khả quan trong 3 tháng tiếp theo của năm 2023. "Tình hình kinh tế khó khăn khiến các doanh nghiệp cân nhắc hơn trong việc đặt hàng, mua lượng vừa đủ và không trữ hàng tồn làm cho vận chuyển nội địa bị ảnh hưởng nhiều" - đại diện HLA nhìn nhận.