Chủ động ứng phó trước biến động của thị trường vận tải biển

Ngày 16-04-2024 Lượt xem 97

Từ đầu năm 2024, giá cước vận tải biển có xu hướng tăng cao, trong đó có cước vận chuyển hàng hóa bằng container. Thời gian tới, vận tải biển dự báo tiếp tục có những biến động, nhất là các tuyến vận tải quốc tế đi châu Mỹ, châu Âu do ảnh hưởng của xung đột tại khu vực Biển Đỏ.

Trước tình hình đó, ngành hàng hải nước ta đang tích cực có giải pháp chủ động ứng phó, hạn chế tác động bất lợi đến phát triển kinh tế-xã hội.

Giá cước vận tải tăng, nhiều chuyến tàu biển bị hủy

Hành trình ngắn nhất và tối ưu nhất của tuyến vận tải biển từ châu Á đến châu Âu là đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, các hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, không đi qua kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), làm cho hành trình của tàu kéo dài thêm từ 10 đến 14 ngày so với trước đây. Không chỉ mất thêm thời gian mà việc đi vòng cũng làm phát sinh rất nhiều chi phí vận chuyển, điều này khiến giá cước vận chuyển tăng cao, cùng với đó, dự báo hiện tượng thiếu container để chở hàng hóa có thể sẽ xảy ra.

Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, theo thống kê về chỉ số giá vận chuyển container của trang Drewry (thuộc trung tâm nghiên cứu hàng hải độc lập, cung cấp thông tin về thị trường hàng hải), giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ trong tuần đầu của tháng 1-2024 biến động lớn. So với thời điểm cuối năm 2023, giá cước tăng khoảng 60%; so với cùng kỳ năm 2023 tăng 25%. Hiện tại, mức giá cao hơn khoảng 88% so với mức trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19. Cụ thể, mức giá từ cảng Thượng Hải (Trung Quốc) đi cảng Tây Mỹ (Hoa Kỳ) tăng 30%, từ 2.100USD/container 40 feet lên 2.726USD/container 40 feet; đi cảng Rotterdam (Hà Lan) tăng 115%. Tình hình chung của thế giới cũng tác động làm tăng giá cước vận tải biển từ Việt Nam đi châu Âu, châu Mỹ.

Bên cạnh tăng giá vận chuyển, còn xảy ra việc hủy, bỏ chuyến tàu biển. Báo cáo của trang Drewry cho thấy, trên các tuyến vận chuyển hàng hải chính của thế giới (xuyên Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, châu Á đi Bắc Âu và Địa Trung Hải), có 78/650 tuyến bị hủy trong khoảng thời gian từ tuần thứ 2 của tháng 1-2024 đến giữa tháng 2-2024, tỷ lệ hủy chiếm 12%. Các liên minh hãng tàu lớn trên thế giới và cả những hãng tàu không thuộc liên minh tiếp tục thông báo hủy chuyến. Có khoảng 88% các tuyến tàu vẫn thông báo thực hiện đúng lịch trình trong thời gian tới, tuy nhiên việc duy trì tuyến còn phụ thuộc vào tình hình thị trường thế giới. Các tuyến tàu biển có thể thay đổi lịch trình nếu gặp vấn đề ảnh hưởng đến an toàn hàng hải.

Tích cực triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Đánh giá về những tác động của xung đột tại khu vực Biển Đỏ đến vận tải biển nước ta, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, chia sẻ, ngành hàng hải cả thế giới bị ảnh hưởng, vì vậy Việt Nam cũng không tránh khỏi và đây không phải là vấn đề một quốc gia có thể điều tiết được. Theo ông Lê Đỗ Mười, hiện nay, giá cước vận tải biển tăng chủ yếu với tuyến vận chuyển đến châu Âu và một số khu vực biển xa, chưa ảnh hưởng đến vận chuyển giữa các nước châu Á.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển nội địa của Việt Nam vẫn giữ ổn định, doanh nghiệp hoạt động bình thường. Về giải pháp trước những tác động của tình hình thế giới, ông Lê Đỗ Mười cho biết, Cục Hàng hải Việt Nam đã yêu cầu các cảng vụ hàng hải, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với các cảng biển để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, cần hạn chế tối đa thời gian lưu kho, lưu bãi để giảm chi phí. Đây là giải pháp trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, góp phần giảm giá thành vận tải. Mặt khác, sẽ tiếp tục thu thập thông tin, xử lý, báo cáo Bộ GTVT để có giải pháp kịp thời.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan bảo đảm hệ thống cảng biển thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu. Đồng thời, nghiên cứu, triển khai ngay các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải. Đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng và xếp, dỡ hàng hóa đối với tàu thuyền vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Mỹ, châu Âu.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, các cơ quan cần khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa. Cùng với đó, nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút các hãng vận tải container mở tuyến mới đến Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến hoạt động tàu thuyền. Việc bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu quả của các tuyến vận tải biển sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

wiget Chat Zalo Messenger Chat Whatsapp Chat