TỔNG QUAN DỰ BÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ THẾ GIỚI QUÝ I VÀ CẢ NĂM 2023

Ngày 25-05-2023 Lượt xem 362

Tại thời điểm tháng 3/2023, các tổ chức quốc tế đưa ra những nhận định khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023. Một số tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 so với các dự báo đưa ra trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2023 đạt 2,9%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 10/2022. Fitch Ratings (FR) nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong ngắn hạn được cải thiện đáng kể khi đạt mức 2,0% năm 2023, điều chỉnh tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 12/2022. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2023 có dấu hiệu tăng, dự báo đạt 2,6% trong năm 2023, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11/2022.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc (UNDESA) đưa ra dự báo bi quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong các báo cáo đầu năm 2023. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 01/2023, WB nhận định tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 1,7% năm 2023, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. Trong báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới tháng 02/2023, UNDESA nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 1,9%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022.

Tại khu vực Đông Nam Á, WB nhận định phục hồi kinh tế của các quốc gia sau suy thoái do đại dịch khá khác nhau. Tăng trưởng GDP của In-đô-nê-xi-a,  Ma-lai-xi-a và Thái Lan dự báo đạt 4,8%, 4,0% và 3,6% năm 2023, lần lượt giảm 0,5, 0,5 và 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. WB điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phi-li-pin và Việt Nam ở mức 5,4% và 6,3%, đều giảm 0,2 điểm phần trăm, do được hưởng lợi từ tăng tiêu dùng cá nhân và tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa.

I. DỰ BÁO KINH TẾ TOÀN CẦU

1. Tại thời điểm đầu năm 2023, đa số dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh tăng so với dự báo trước đây

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới cập nhật tháng 01/2023 của IMF nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo đạt 2,9% năm 2023. So với dự báo tại thời điểm tháng 10/2022, dự báo tăng trưởng năm 2023 của thế giới cao hơn 0,2 điểm phần trăm do khả năng phục hồi lớn hơn dự kiến ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng năm 2023 vẫn thấp, phản ánh việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, đặc biệt ở các nền kinh tế phát triển, cũng như tác động của xung đột giữa Nga và U-crai-na. Đối với các nền kinh tế phát triển, tăng trưởng năm 2023 dự báo đạt 1,2%, điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 10/2022. Đối với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, tăng trưởng dự báo đạt 4,0% năm 2023, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 10/2022.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 03/2023, Fitch Ratings (FR) nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong ngắn hạn được cải thiện đáng kể so với dự báo đưa ra vào tháng 12/2022. Điều chỉnh tăng dự báo dựa trên một số tín hiệu tích cực như Trung Quốc mở cửa trở lại, khủng hoảng khí đốt tự nhiên ở châu Âu giảm đáng kể và khả năng phục hồi nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ trong ngắn hạn của Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên FR nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại U-crai-na. Theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,0% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 1,4% đưa ra vào tháng 12/2022.

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 03/2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định kinh tế toàn cầu năm 2023 có dấu hiệu tăng sau những trì trệ trong năm 2022. Dữ liệu tần suất nhanh trong những tháng đầu năm 2023 cho thấy triển vọng tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn được cải thiện. Dữ liệu hoạt động kinh tế tại Hoa Kỳ đã gây bất ngờ khi tăng trong tháng 01/2023. Niềm tin người tiêu dùng đã bắt đầu cải thiện và các chỉ số niềm tin kinh doanh đã dần ổn định ở các nền kinh tế lớn của G20 do giá lương thực và năng lượng toàn cầu giảm, tác động tích cực từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc. Theo đó, OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 đạt 2,6%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11/2022.

Liên minh châu Âu (EU) trong báo cáo Dự báo kinh tế châu Âu mùa đông 2023 phát hành vào tháng 02/2023 nhận định sau khi trì trệ trong nửa đầu năm 2022, hoạt động kinh tế toàn cầu đã phục hồi trong Quý III/2022 nhưng đối mặt với các dấu hiệu suy yếu mới vào cuối năm 2022. Theo đó, tăng trưởng toàn cầu (không bao gồm EU) năm 2023 được dự báo đạt 3,0%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11/2022. Tăng trưởng khu vực đồng Euro năm 2023 dự báo đạt 0,9%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11/2022.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc (UNDESA) đưa ra dự báo bi quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong các báo cáo đầu năm 2023.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 01/2023, WB nhận định tăng trưởng toàn cầu dự kiến chỉ đạt 1,7% vào năm 2023. Con số này thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022, phản ánh chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, điều kiện tài chính xấu đi và gián đoạn nguồn cung do tác động từ cuộc xung đột tại U-crai-na. Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc đều đang trải qua thời kỳ suy yếu, tạo tác động lan tỏa và làm trầm trọng thêm triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Theo đó, so với dự báo trong tháng 6/2022, dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển năm 2023 đạt 0,5%, giảm 1,7 điểm phần trăm, các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đạt 3,4%, giảm 0,8 điểm phần trăm.

Trong báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới tháng 02/2023, UNDESA nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ đạt mức 1,9%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5/2022. Suy thoái diễn ra trên diện rộng ở các nước phát triển và đang phát triển. Mặc dù việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 ở hầu hết các quốc gia trong năm 2022 đã hỗ trợ phục hồi nhu cầu trong nước, nhưng lạm phát gia tăng đã làm giảm chi tiêu của hộ gia đình và doanh nghiệp. Tăng trưởng thương mại chậm lại trong bối cảnh chuỗi cung ứng tiếp tục suy yếu, nhu cầu đối với hàng tiêu dùng giảm và xung đột kéo dài ở U-crai-na. Triển vọng kinh tế năm 2023 vẫn không chắc chắn khi bị ảnh hưởng bởi tốc độ và trình tự thắt chặt chính sách tiền tệ, diễn biến của cuộc xung đột tại U-crai-na và những căng thẳng địa chính trị khác đe dọa gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. So với dự báo trong tháng 6/2022, tăng trưởng của Hoa Kỳ năm 2023 dự báo đạt 0,4%, giảm 1,4 điểm phần trăm, tăng trưởng của Liên minh châu Âu năm 2023 đạt 0,2%, giảm 2,2 điểm phẩm trăm, tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023 dự báo đạt 4,8%, giảm 0,4 điểm phần trăm. 

                                               

                                                           Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 và 2023 của các tổ chức quốc tế

2. Tổng quan biến động thị trường thế giới

Thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm trong nửa cuối năm 2022

Theo báo cáo mới nhất ngày 01/3/2023 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thước đo thương mại hàng hóa đạt 92,2 vào tháng 12/2022, thấp hơn giá trị cơ sở 100 và thấp hơn nhiều so với chỉ số khối lượng giao dịch thương mại hàng hóa. Hầu hết các chỉ số thành phần của thước đo đều giảm xuống dưới xu hướng, trừ chỉ số sản phẩm ô tô (105,8) do số liệu sản xuất và bán hàng tăng tại Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản. Chỉ số đơn hàng xuất khẩu (97,4) vẫn nằm dưới xu hướng nhưng đang tăng, phản ánh khả năng tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, các chỉ số về vận chuyển container (89,3), vận tải hàng không (87,8), linh kiện điện tử (84,9) và nguyên liệu thô (92,0) đều nằm dưới xu hướng và giảm, thể hiện sự yếu kém trong thương mại đang lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực.

WB cũng đồng quan điểm khi cho rằng tăng trưởng thương mại toàn cầu đang chậm lại. Thương mại hàng hóa toàn cầu thu hẹp vào cuối năm 2022 khi giảm 1,5% trong tháng 11/2022 so với cùng kỳ năm trước, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2020. Chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới và các chỉ số trong PMI tổng hợp có dấu hiệu cải thiện trong tháng 01/2023 từ 46 lên 47,5 điểm nhưng vẫn nằm trong vùng thu hẹp, tích lũy hàng tồn kho đối với hàng hóa thành phẩm giảm cho thấy áp lực của chuỗi cung ứng toàn cầu đã giảm bớt. Phục hồi của ngành du lịch toàn cầu do dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở Trung Quốc giúp cho số lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2023 có thể đạt 95% so với mức trước đại dịch.

Giá năng lượng có xu hướng giảm, trái ngược với xu hướng tăng của giá kim loại, lạm phát đạt đỉnh

WB nhận định giá năng lượng trong tháng 01/2023 giảm gần 9% so với tháng trước. Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu và Hoa Kỳ trong tháng 01/2023 giảm hơn 40% so với tháng trước do thời tiết ấm hơn dự kiến. Giá than cũng giảm, một phần phản ánh giá khí đốt tự nhiên giảm và giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng. Giá dầu thô Brent trung bình đạt 83 đô la Mỹ/thùng trong tháng 01/2023, tăng nhẹ so với tháng 12/2022. Tuy nhiên, giá dầu vẫn không ổn định do các thị trường cân nhắc về triển vọng nhu cầu toàn cầu và việc áp đặt giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Ngược lại, giá kim loại tăng 6% trong tháng 01/2023 so với tháng trước, cao nhất là thiếc (16%), quặng sắt (9%) và đồng (8%), phản ánh tâm lý thị trường được cải thiện sau những dấu hiệu phục hồi mạnh hơn dự kiến ở Trung Quốc khi mở cửa trở lại.

Giá hàng hóa nông nghiệp nhìn chung ổn định trong tháng 01/2023 và giảm nhẹ trong tháng 02/2023. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm (FFPI) của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc đạt bình quân 129,8 điểm trong tháng 02/2023, giảm nhẹ (0,6%) so với tháng 01/2023, tiếp tục xu hướng giảm trong tháng thứ 11 liên tiếp. Với lần giảm mới nhất, chỉ số này đã giảm 29,9 điểm (18,7%) so với mức cao nhất đạt được vào tháng 3/2022, phản ánh sự sụt giảm đáng kể chỉ số giá dầu thực vật, sữa và ngũ cốc.

IMF nhận định lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 của 84% các quốc gia sẽ thấp hơn so với năm 2022. Lạm phát bình quân năm của toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 8,8% năm 2022 xuống 6,6% năm 2023. Lạm phát giảm một phần phản ánh giá nhiên liệu quốc tế và hàng hóa phi nhiên liệu giảm do nhu cầu toàn cầu yếu đi, cũng như tác động của thắt chặt chính sách tiền tệ. Ở các nền kinh tế phát triển, lạm phát bình quân năm dự báo sẽ giảm từ 7,3% năm 2022 xuống 4,6% năm 2023. Tại các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, lạm phát bình quân năm dự kiến sẽ giảm từ 9,9% năm 2022 xuống 8,1% năm 2023.

Điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng ổn định

Theo WB, điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng ổn định vào đầu năm 2023. Chứng khoán toàn cầu tăng khoảng 7% trong tháng 01/2023, trước khi ổn định vào tháng 02/2023 do kỳ vọng lãi suất ngắn hạn của Hoa Kỳ tăng. Dòng tài chính vào các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi tăng trong đầu năm 2023. Tháng 01/2023, dòng nợ và vốn cổ phần trong danh mục đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đạt mức cao kể từ cuối năm 2020, dẫn đầu là dòng vốn vào Trung Quốc tăng mạnh. Sau khi tăng nhanh trong năm 2022, chênh lệch lãi suất đi vay của chính phủ các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đã giảm trong những tháng đầu năm 2023.

IMF cho rằng các điều kiện tài chính toàn cầu đã phần nào dịu bớt kể từ thời điểm đưa ra Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu tháng 10/2022, chủ yếu do kỳ vọng của thị trường về chu kỳ lãi suất thay đổi. Lợi suất trái phiếu toàn cầu và chênh lệch lãi suất doanh nghiệp gần đây đã giảm, thị trường chứng khoán phần nào hồi phục.

Triển vọng thị trường lao động toàn cầu năm 2023 vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch

Theo báo cáo Xu hướng triển vọng việc làm và xã hội thế giới 2023 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến cuối năm 2022, quá trình phục hồi sau khủng hoảng Covid-19 vẫn chưa hoàn thiện và không đồng đều trên toàn thế giới, đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, đồng thời bị cản trở nhiều hơn do hậu quả của cuộc xung đột ở U-crai-na. Dự báo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và việc làm năm 2023 cho thấy hầu hết các quốc gia sẽ không thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch trong tương lai gần. Khoảng cách việc làm toàn cầu là thước đo mới về nhu cầu việc làm chưa được đáp ứng trên thế giới. Khoảng cách việc làm toàn cầu ở mức 473 triệu người năm 2022, tương ứng với tỷ lệ khoảng cách việc làm là 12,3%. Số liệu trên tương ứng với 205 triệu người thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp là 5,8% và 268 triệu người có nhu cầu việc làm chưa được đáp ứng. Việc làm toàn cầu được dự báo tăng 1,0% vào năm 2023 (điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2022), giảm đáng kể so với tốc độ tăng việc làm 2,3% năm 2022.

Một số nhân tố rủi ro tác động tới triển vọng kinh tế thế giới

IMF chỉ ra sáu nhân tố rủi ro chính có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu như sau:

Thứ nhấtquá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể bị đình trệ. Trong bối cảnh mức độ miễn dịch cộng đồng vẫn còn thấp và năng lực bệnh viện không đủ, đặc biệt khu vực ngoại ô các đô thị lớn, những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe có thể cản trở quá trình phục hồi. Khủng hoảng sâu sắc của thị trường bất động sản ở Trung Quốc với rủi ro vỡ nợ cao của các nhà phát triển bất động sản có thể dẫn đến bất ổn trong khu vực tài chính.

Thứ haileo thang xung đột ở U-crai-na. Cuộc xung đột tại U-crai-na vẫn là nguyên nhân gây ảnh hưởng tiêu cực với châu Âu và các nước có thu nhập thấp. Mặc dù giá năng lượng đã giảm nhưng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tăng khiến giá có thể tăng đột biến. Giá lương thực có thể tăng do việc gia hạn sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen gặp nhiều khó khăn. Điều này gây thêm áp lực cho các quốc gia có thu nhập thấp đang gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực và có ngân sách hạn chế để bù đắp tác động tăng giá lên các hộ gia đình và doanh nghiệp. Thêm vào đó, khi giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, tình trạng bất ổn xã hội có thể gia tăng.

Thứ bakhó khăn về nợ. Kể từ tháng 10/2022, chênh lệch nợ công ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đã giảm nhẹ do các điều kiện tài chính toàn cầu được nới lỏng và đồng đô la Mỹ mất giá. Ước tính khoảng 15% các quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào tình trạng khó khăn về nợ và khoảng 25% các nền kinh tế mới nổi đối mặt với nguy cơ nợ cao. Sự kết hợp giữa mức nợ cao do đại dịch, tăng trưởng thấp hơn và chi phí đi vay cao hơn đã khiến tình trạng dễ bị tổn thương của các nền kinh tế này trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là những nền kinh tế có nhu cầu trả nợ bằng đồng đô la Mỹ trong ngắn hạn.

Thứ tưlạm phát kéo dài. Tình trạng thắt chặt thị trường lao động kéo dài có thể khiến tăng trưởng tiền lương mạnh hơn dự kiến. Giá dầu, khí đốt và lương thực cao hơn dự kiến do tác động từ cuộc xung đột ở U-crai-na hoặc do phục hồi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nhanh hơn có thể làm tăng lạm phát chung và chuyển dần vào tăng lạm phát cơ bản. Những diễn biến như vậy có thể phá vỡ kỳ vọng lạm phát và đòi hỏi cần thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Thứ nămđịnh giá lại thị trường tài chính đột ngột. Việc sớm nới lỏng các điều kiện tài chính để ứng phó với dữ liệu lạm phát thấp hơn có thể làm phức tạp thêm các chính sách chống lạm phát và buộc phải thắt chặt tiền tệ hơn. Đồng thời, việc công bố dữ liệu lạm phát không thuận có thể gây ra việc định giá lại tài sản đột ngột, làm tăng biến động trên thị trường tài chính và ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản cũng như hoạt động của các thị trường lớn.

Thứ sáusự phân mảnh địa chính trị. Cuộc xung đột ở U-crai-na và các biện pháp trừng phạt quốc tế đang chia rẽ nền kinh tế thế giới thành các khối và làm gia tăng căng thẳng địa chính trị. Sự phân mảnh gia tăng dẫn đến việc lưu chuyển nguồn vốn, di chuyển của người lao động và thanh toán quốc tế giữa các quốc gia gặp nhiều khó khăn, có thể cản trở hợp tác đa phương trong cung cấp hàng hóa toàn cầu.

II. TĂNG TRƯỞNG CỦA MỘT SỐ NỀN KINH TẾ

1. Hoa Kỳ

Theo IMF, tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ năm 2023 dự báo đạt 1,4%, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 10/2022 do phục hồi nhu cầu trong nước của năm 2022 tiếp diễn sang năm 2023.

WB nhận định giá lương thực và năng lượng tăng cao cùng với thị trường lao động thắt chặt đã đẩy lạm phát năm 2022 của nền kinh tế Hoa Kỳ lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ trước khi giảm xuống vào cuối năm. Điều này đã khiến Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong hơn 40 năm qua. Việc tiếp tục thắt chặt chính sách kinh tế vĩ mô để kiềm chế lạm phát trong năm 2023 dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm tác động trễ của việc tăng lãi suất trong năm 2022, gây thêm áp lực đối với hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ. Theo đó, WB dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ chỉ đạt 0,5% năm 2023, thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 6/2022, đạt mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 1970, không kể suy thoái chính thức. Lạm phát dự kiến sẽ giảm nhẹ trong năm 2023 khi thị trường lao động dịu lại và áp lực tiền lương giảm bớt.

Trong báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới tháng 02/2023, UNDESA cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ năm 2022 và 2023 bắt đầu đi xuống trong bối cảnh các điều kiện tiền tệ bị thắt chặt nhanh chóng. Nền kinh tế Hoa Kỳ tăng 1,8% năm 2022, giảm 0,8 điểm phần trăm so với mức dự báo 2,6% đưa ra trong tháng 5/2022. Tăng trưởng GDP năm 2023 của quốc gia này dự báo chỉ đạt 0,4% do nguy cơ suy thoái ngày càng lớn, điều chỉnh giảm 1,4 điểm phần trăm so với con số 1,8% đưa ra trong báo cáo tháng 5/2022.

Theo báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế toàn cầu của tổ chức OECD ngày 17/3/2023, tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ dự báo đạt 1,5% năm 2023, điều chỉnh tăng 1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 11/2022. Tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ dự kiến sẽ thấp hơn tiềm năng trong cả năm 2023 và 2024 do chính sách tiền tệ làm giảm nhu cầu. Tốc độ tăng trưởng theo quý dự kiến sẽ chạm đáy vào nửa cuối năm 2023 và cải thiện dần trong năm 2024.

                                                                                      Dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ năm 2022 và 2023

                                                

                                                                                           Nguồn: IMF, OECD, WB, UNDESA

Theo Trading Economics, chỉ số PMI tổng hợp của Hoa Kỳ tháng 02/2023 đạt 50,1 điểm, cao hơn nhiều so với mức 46,8 điểm của tháng 01/2023. Chỉ số này báo hiệu sự kết thúc của 7 tháng giảm liên tiếp và phản ánh mức độ ổn định của các hoạt động kinh doanh tại các công ty khu vực tư nhân. Số lượng đơn hàng mới giảm ít nhất trong 4 tháng trong khi tốc độ tạo việc làm tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng và lượng công việc tồn đọng giảm trong tháng thứ 5 liên tiếp.

Trong cuộc họp ngày 22/3/2023, Fed đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%, đưa ra quan điểm thận trọng về những bất ổn gần đây của ngành ngân hàng và dự kiến kết thúc lộ trình tăng lãi suất. Phạm vi lãi suất của Hoa Kỳ hiện dao động ở mức 4,75% – 5%.

Trading Economics dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ Quý I/2023 tăng 0,5% so với quý trước và tăng 1,4% so với Quý I/2022.

2. Khu vực đồng Euro

UNDESA dự báo tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro chỉ đạt 0,1% năm 2023, điều chỉnh giảm 2,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 5/2022, sau khi khu vực này đạt mức tăng trưởng 3,2% năm 2022.

Theo WB, tăng trưởng của khu vực đồng Euro năm 2023 dự báo sẽ ở mức 0%, điều chỉnh giảm 1,9 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra trong tháng 6/2022. Hoạt động kinh tế khu vực đồng Euro dự kiến sẽ giảm trong nửa đầu năm 2023 trước khi ổn định vào những tháng cuối năm 2023. Lạm phát dự kiến sẽ giảm khi thị trường lao động hạ nhiệt và giá năng lượng giảm.

OECD nhận định tăng trưởng của khu vực đồng Euro sẽ chậm lại trong năm 2023, tuy nhiên lợi ích của việc giá năng lượng giảm dần và lạm phát giảm sẽ giúp động lực tăng trưởng của khu vực này dần được cải thiện. OECD dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro đạt 0,8% năm 2023, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11/2022.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro năm 2023 sẽ chạm đáy ở mức 0,7%, điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 10/2022.

                                                                      Dự báo tăng trưởng của khu vực đồng Euro năm 2022 và 2023

                                             

                                                                                          Nguồn: IMF, OECD, WB, UNDESA

Chỉ số PMI tổng hợp trong tháng 02/2023 của khu vực đồng Euro đạt 52 điểm, giảm nhẹ so với số ước tính sơ bộ 52,3 điểm và cao hơn mức 50,3 điểm của tháng 01/2023. Chỉ số này cho thấy hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân tiếp tục được mở rộng và mạnh nhất kể từ tháng 6/2022. Dịch vụ là động lực chính giúp tăng trưởng nhanh hơn trong tháng 02/2023, trong khi lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo ổn định sau 8 tháng sụt giảm liên tiếp. Đơn hàng mới tăng lần đầu tiên kể từ tháng 5/2022, trong khi doanh số xuất khẩu mới giảm tháng thứ 12 liên tiếp và lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm.

Theo Trading Economics,GDP Quý I/2023 của khu vực đồng Euro dự báo giảm 0,2% so với Quý IV/2022 và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước.

3. Nhật Bản

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2023 đạt 1,8%, điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 10/2022, nhờ hỗ trợ của chính sách tài khóa và tiền tệ.

UNDESA nhận định các cú sốc đã làm chậm quá trình phục hồi kinh tế của Nhật Bản. Tuy nhiên, UNDESA vẫn dự báo Nhật Bản là một trong số các nền kinh tế phát triển có hiệu quả hoạt động tốt nhất trong năm 2023. Theo đó tăng trưởng GDP năm 2023 của Nhật Bản dự báo đạt 1,5%. Mặc dù việc dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa đại dịch Covid-19 trong Quý II/2022 đã giải phóng nhu cầu trong nước bị dồn nén, nhưng các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc đã ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu của Nhật Bản. Tình trạng thiếu chip kéo dài, chi phí nhập khẩu tăng do đồng yên Nhật suy yếu và rủi ro suy thoái toàn cầu, đặc biệt ở Hoa Kỳ và châu Âu, đã làm suy yếu tâm lý của các nhà sản xuất. Lạm phát ở Nhật Bản dự báo sẽ giảm xuống còn 1,2% trong năm 2023 do tăng trưởng kinh tế chậm lại. Giá năng lượng, giá nhiên liệu, giá thực phẩm và đồ nội thất giảm đã góp phần làm giảm áp lực lạm phát cho nền kinh tế Nhật Bản.

Theo WB, tăng trưởng GDP của Nhật Bản chậm lại vào năm 2022 do giá năng lượng cao và tình trạng tắc nghẽn nguồn cung đã ảnh hưởng xấu đến sức mua của hộ gia đình và làm giảm tiêu dùng. Tỷ giá trao đổi xuất khẩu giảm, nhu cầu toàn cầu suy yếu là những rào cản đối với phục hồi tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm 2023. WB dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản sẽ chậm lại, giảm xuống còn 1,0% năm 2023, điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022.

OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2023 đạt 1,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11/2022.

          Chỉ số PMI tổng hợp tháng 02/2023 của Nhật Bản tăng lên 51,1 điểm, cao hơn 0,4 điểm so với số sơ bộ 50,7 điểm đưa ra trước đó, phản ánh tốc độ tăng giá trị sản xuất khu vực tư nhân nhanh nhất kể từ tháng 10/2022. Hoạt động của lĩnh vực dịch vụ tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng trong khi giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2020. Số lượng đơn hàng mới lần đầu cho thấy dấu hiệu tích cực kể từ tháng 10/2022. Gia tăng vững chắc hoạt động kinh doanh mới của các nhà cung cấp dịch vụ đã bù đắp cho sự sụt giảm mạnh các đơn đặt hàng ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Theo Trading Economics, GDP Quý I/2023 của nền kinh tế Nhật Bản dự báo tăng 0,8% so với quý trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

                                                                                 Dự báo tăng trưởng của Nhật Bản năm 2022 và 2023

                                             

                                                                                        Nguồn: IMF, OECD, WB, UNDESA

4. Trung Quốc

        IMF nhận định quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang bị đình trệ trong bối cảnh mức độ miễn dịch cộng đồng còn thấp và năng lực bệnh viện không đủ, đặc biệt ở các khu vực ngoại ô các đô thị lớn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Đầu tư bất động sản tiếp tục giảm và việc tái cấu trúc các nhà phát triển bất động sản đang diễn ra chậm chạp trong bối cảnh khủng hoảng thị trường bất động sản kéo dài. Các nhà chức trách đã phản ứng bằng cách nới lỏng chính sách tài chính và tiền tệ bổ sung, đặt mục tiêu tiêm chủng mới cho người già và từng bước hỗ trợ hoàn thành các dự án bất động sản còn dang dở. Theo đó, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 đạt 5,2%, điều chỉnh tăng 0,8 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 10/2022.

        Theo UNDESA, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo đạt 4,8% năm 2023. Sự chậm lại của nền kinh tế này chủ yếu bắt nguồn từ việc áp dụng các biện pháp phong tỏa tạm thời để đối phó với dịch Covid-19. Mặc dù cam kết không Covid-19 đã cứu sống nhiều người và giúp cho hệ thống y tế không bị quá tải, nhưng lại ảnh hưởng xấu đến tổng cầu và làm giảm tổng giá trị sản xuất. Hơn nữa, chính sách hạ nhiệt thị trường bất động sản làm giảm đầu tư vào các tòa nhà dân sinh và doanh số bán hàng. Giá bất động sản giảm có thể ảnh hưởng đến giá trị tài sản ròng của hộ gia đình và nhu cầu tiêu dùng. Lợi nhuận giảm và các yêu cầu khắt khe hơn để tiếp cận tín dụng đã làm suy giảm điều kiện thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản, khiến họ không thể trả được nợ.

        Rủi ro đối với khu vực ngân hàng đã tăng lên đáng kể nhưng chưa mang tính hệ thống. Mặc dù nhu cầu bên ngoài chậm lại, tiêu dùng và đầu tư trong nước dự kiến sẽ được tăng cường thông qua chính sách xoay trục để mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế từ cuối năm 2022, cùng với các biện pháp mạnh hơn của Chính phủ về chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ linh hoạt. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực bất động sản, bao gồm các khoản vay phát triển bất động sản, tài trợ bằng trái phiếu và các khoản vay đặc biệt để đảm bảo giao nhà trước khi bán, có thể giúp kiểm soát rủi ro suy thoái nghiêm trọng của thị trường bất động sản.

        WB dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 4,3% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, chủ yếu là do gián đoạn liên quan đến đại dịch kéo dài hơn dự kiến, nhu cầu bên ngoài yếu hơn và sự yếu kém kéo dài trong lĩnh vực bất động sản.

        OECD dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Trung Quốc đạt 5,3% năm 2023, điều chỉnh tăng 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11/2022.

                                                                           Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 và 2023

                                            

                                                                                       Nguồn: IMF, OECD, WB, UNDESA

 Chỉ số PMI tổng hợp của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 02/2023 đạt 54,2 điểm, tăng 3,1 điểm so với 51,1 điểm trong tháng 01/2023. Đây là giai đoạn tăng thứ hai liên tiếp trong hoạt động của khu vực tư nhân, mạnh nhất kể từ tháng 6/2022, nhờ việc dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa đại dịch. Gia tăng sản lượng ngành công nghiệp chế biến chế tạo và mức tăng mạnh hơn trong hoạt động dịch vụ là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Đơn hàng mới tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2021 và đơn hàng nước ngoài tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020.

Theo Trading Economics, GDP Quý I/2023 của nền kinh tế Trung Quốc tăng 1,6% so với quý trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022.

5. Đông Nam Á

Theo WB, sự phục hồi sau suy thoái do đại dịch gây ra không đồng đều trong khu vực. Năm 2022, giá trị sản xuất của Cam-pu-chia, Phi-li-pin và Thái Lan đã vượt mức trước đại dịch. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Mi-an-ma chưa đạt mức trước đại dịch. Sự phục hồi của ngành du lịch trong khu vực nhìn chung chậm hơn so với phần còn lại của thế giới do các đợt tái bùng phát dịch Covid-19, các hạn chế đi lại xuyên biên giới và thiếu khách du lịch Trung Quốc.

Tăng trưởng GDP của In-đô-nê-xi-a dự báo tăng 4,8% năm 2023, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022, phản ánh chi tiêu dùng tư nhân giảm. Niềm tin kinh doanh dự kiến sẽ duy trì trong bối cảnh nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và đà thực hiện cải cách cơ cấu, bao gồm chính sách thuế và hành chính.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng của Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin và Việt Nam được dự báo lần lượt đạt 4% (giảm 0,5 điểm phần trăm), 5,4% (giảm 0,2 điểm phần trăm) và 6,3% (giảm 0,2 điểm phần trăm) do được hưởng lợi từ tăng tiêu dùng cá nhân và tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa mạnh. Tốc độ tăng trưởng của Thái Lan dự báo đạt 3,6% năm 2023 (giảm 0,7 điểm phần trăm), phản ánh phục hồi chậm trong lĩnh vực du lịch và vận tải.

Theo IMF, tăng trưởng ở các quốc gia ASEAN-5 (In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Xi-ga-po và Thái Lan) dự báo đạt 4,3% năm 2023, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 10/2022.

                                                                   Dự báo tăng trưởng năm 2023 của một số quốc gia ASEAN

                                        

                                                                                                                  Nguồn: WB

Theo Trading Economics, dự báo tăng trưởng Quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Thái Lan, Xin-ga-po lần lượt đạt 4,2%, 5,1%, 6,6%, 2,8%, 1,9%. Tăng trưởng Quý I/2023 so với quý trước của các quốc gia trên lần lượt là 0,2%, 1,0%, 1,6%, 1,0% và 0,4%.

6. Việt Nam

Dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB)

Trong báo cáo Điểm lại tháng 3/2023, WB nhận định triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi. Trước những khó khăn trong nước và ngoài nước, GDP dự báo tăng trưởng 6,3% năm 2023.

Mặc dù lĩnh vực du lịch tiếp tục phục hồi do du khách Trung Quốc dần quay lại với đóng góp khoảng 30% tổng lượt du khách đến Việt Nam trước đại dịch, tăng trưởng của khu vực dịch vụ sẽ chững lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp sau Covid-19 yếu đi.

Nhu cầu trong nước có thể bị ảnh hưởng do lạm phát cao hơn dự kiến (bình quân 4,5%) trong năm 2023. Trong nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo sẽ chậm lại do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro yếu đi, trong khi lộ trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn nhiều bất định. Mặc dù vậy, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023, mang lại tác động tích cực cho xuất khẩu. Tăng trưởng dự kiến đạt 6,5% từ năm 2024 trở đi nhờ xuất khẩu khởi sắc hơn khi cả ba thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc) đều phục hồi.

Cán cân tài khóa dự kiến ghi nhận thâm hụt nhỏ trong khi chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục thận trọng. Cân đối tài khóa sẽ tiếp tục được xác định trên cơ sở số thực hiện thu ngân sách cao hơn kế hoạch và các thách thức phát sinh trong triển khai thực hiện ngân sách, gây ảnh hưởng đến số thực chi đầu tư công.

Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ thặng dư ở mức nhỏ trong trung hạn nhờ kết quả xuất khẩu hàng hóa, lượt du khách nước ngoài được phục hồi và nguồn kiều hối vẫn vững. Khi những cú sốc về giá hàng hóa yếu dần, rủi ro lạm phát toàn cầu giảm, nhu cầu toàn cầu dự kiến phục hồi, xuất khẩu của Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng.

Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng bình quân dự kiến ở mức 4,5% trong năm 2023. Đến nửa cuối năm 2023, tăng giá điện và lương công chức sẽ tác động đến lạm phát.

Dự báo của Liên hợp quốc (UNDESA)

Tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực ở mức vừa phải chủ yếu phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt, nhu cầu bên ngoài yếu hơn sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất và đầu tư tại các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam và Ma-lai-xi-a. UNDESA dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 đạt 6,3%, cao hơn mức trung bình 5 năm trước đại dịch (từ 2015 đến 2019).

Triển vọng kinh tế trong ngắn hạn phải đối mặt với những rủi ro suy giảm đáng kể, bao gồm đại dịch kéo dài, nhu cầu bên ngoài suy yếu, căng thẳng tài chính gia tăng, lạm phát cao hơn và căng thẳng địa chính trị đang diễn ra. Khi tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, nhu cầu bên ngoài yếu hơn sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất và đầu tư tại các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể yếu hơn dự kiến, có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa và hàng hóa trung gian trong và ngoài khu vực.

Dự báo của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO)

Trong báo cáo Cập nhật về triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 tháng 01/2022, AMRO cho rằng tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN+3 giảm nhẹ trong khi hoạt động kinh tế ở ASEAN vẫn duy trì mạnh mẽ trong Quý IV/2022 và năm 2023. Theo đó, AMRO dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam đạt 6,8%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 10/2022.

Theo Trading Economics, dự báo tăng trưởng Quý I/2023 của Việt Nam so với cùng kỳ năm trước đạt 4,8%.

                                                                               Dự báo tăng trưởng Việt Nam của một số tổ chức quốc tế

                                                    

                                                                                                       Nguồn: WB, UNDESAAMRO

                                                                               Tốc độ tăng trưởng GDP Quý I năm 2023 của một số quốc gia

                                                                                                                                                                                Đơn vị tính: %

                                                                  

ST-Nguồn Tổng quan dự báo kinh tế thế giới QI/2023

Richard

 

 

wiget Chat Zalo Messenger Chat Whatsapp Chat